Sáng ngày 01/10/2019, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020. Đến dự và chủ trì hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các xã trong tỉnh
Quang cảnh hội nghị
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh 2011-2020, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị; đến cuối tháng 9/2019, toàn tỉnh có 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,6% (vượt 16 xã so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đối với tỉnh Bình Định đến năm 2020 có 61 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới) và 02/11 đơn vị cấp huyện (thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã: 16,8 (nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Định đến năm 2020 đạt 16,7 tiêu chí/xã).
Đến nay, kết quả thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh như sau: có 71,9% số xã đạt tiêu chí Giao thông; 81,0% số xã đạt tiêu chí Thủy lợi; 97,5% số xã đạt tiêu chí điện; 67,8% số xã đạt tiêu chí Trường học; 64,0% số xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa; 88,4% số xã đạt tiêu chí Y tế; 80,2% số xã đạt tiêu chí Văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn có những bước tiến vượt bậc, từ mức 11,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 thì đến năm 2015 thu nhập bình quân đã tăng gấp 2,05 lần và đạt 23,6 triệu đồng/người/năm và đến năm 2018 đã đạt 28,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cũng đã giảm từ 16,31% năm 2010 xuống còn 7,05% vào năm 2018 và đến năm 2018 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 89,7%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,2%; có 64,5% số xã đạt tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm... Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, cảnh quan môi trường được cải thiện ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo và giữ vững.
Mục tiêu đến năm 2020, Bình Định phấn đấu có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 địa phương cấp huyện đạt và hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng cho rằng nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn tập trung khá nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa thực sự chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển… Để giữ vững các tiêu chí đã đạt được và tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí cho giai đoạn tiếp theo, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện lâu dài trong sự nghệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phải thực hiện thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn toàn diện, bền vững. Yêu cầu đặt ra là tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, tiếp tục quán triệt Nghị quyết 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng xây dựng nông thôn mới ở những vùng khó khăn như vùng bãi ngang, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, việc phát triển nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo môi trường và nhu cầu của người dân, lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng và phát triển. Chính vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Bình Định phải tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với phát triển các đô thị, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn. Đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; trước hết tập trung vào các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống, gắn với chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề và gải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện tốt việc đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
Nguồn: http://binhdinh.gov.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM VĂN HÓA TỈNH BÌNH ĐỊNH